Sáng hôm nay đưa các cháu về thăm bà nội, mình tiện tay cầm tờ báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật lên đọc thấy giật tít này “Dùng Internet càng nhiều, học càng kém”. Thấy có vẻ hấp dẫn và bổ ích nên mình lập tức đọc ngay từ đầu đến cuối. Bài nguyên bản của báo tuổi trẻ ở đây : Dùng Internet càng nhiều, học càng kém.
Đại khái thế này, tác giả là ThS Trần Minh Trí, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, dẫn kết quả nghiên cứu của mình tại hội thảo “Nghiện Internet: Những thách thức mới của xã hội hiện đại” sáng 23-11. Hội thảo do bộ môn tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp cùng Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Đồng Nai tổ chức để các nhà tâm lý học, bác sĩ, sinh viên cùng mổ xẻ thực trạng nghiện Internet trong giới trẻ.
Theo như tác giả nghiên cứu có 989 sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM trả lời thông qua công cụ Google Drive. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sinh viên truy cập Internet càng nhiều, kết quả học tập càng kém – ông Trí nhận định – Cụ thể, sinh viên có học lực giỏi, xuất sắc có số giờ truy cập bình quân 17,6 giờ/tuần. Trong khi những sinh viên học yếu, kém có số giờ truy cập Internet bình quân đến 31,9 giờ/tuần”. Ngoài ra việc truy cập internet kéo dài theo nghiên cứu của ông còn có rất nhiều hệ lụy khác.
Vấn đề là ở chỗ, cho dù rằng tôi cũng có cho rằng dùng internet nhiều quá có thể ảnh hưởng tiêu cực nhưng cách làm “nghiên cứu khoa học” của Ths Trần Minh Trí và kết luận của ông có quá nhiều dấu hỏi về cách thức tiến hành và phân tích kết quả nghiên cứu.
Thứ nhất, nghiên cứu của ông Trí là nghiên cứu khảo sát cắt ngang thông qua bảng câu hỏi questionaire. Lợi điểm của phương pháp này là dễ làm nhưng yếu điểm của nó là KHÔNG cho biết quan hệ nhân quả. Do vậy, lập luận của ông Trí rất gây nhầm lẫn vì muốn hàm chứa quan hệ nhân- quả : Dùng Internet quá nhiều gây học kém. Thực ra chiều ngược lại cũng có thể đúng vì học kém có thể khiến cho sinh viên có nhiều thời gian trên mạng. Ngoài ra bản chất của nghiên cứu cắt ngang là không xác định được các yếu tố gây nhiễu (confounding factors) ví dụ như điều kiện tài chính xã hội, ngành học khác nhau (ngành CNTT thì có lẽ phải online nhiều hơn các ngành khác) …
Thứ hai, bản câu hỏi questionaire rất dễ bị bias. Ví dụ làm thế nào tác giả đánh giá là một sinh viên học giỏi, xuất sắc hay học kém? Sinh viên tự khai? Tác giả có sử dụng điểm số tổng của Trường ĐHNL? Giỏi và kém là ở môn nào ?… Nói chúng là rất mơ hồ và không chuẩn.
Thứ ba, còn có rất nhiều hạt sạn khác không đáng có trong một nghiên cứu khoa học. Ví dụ như biểu đồ tần suất histogram chart hình dưới (Nguồn báo Tuổi Trẻ). Đây là biểu đồ cơ bản mà tất cả các phần mềm đều có thể kết xuất ra vậy mà người thực hiện nó là một đồ họa viên V.Cường. Đối với histogram chart không nên dùng 3D vì nó không đưa thêm được thông tin nào mà thậm chí có thể gây nhầm lẫn. Bản thân biểu đồ này (có lẽ được thực hiện từ Excel) được làm rất cẩu thả khi để các chỉ số % rớt vào trong thanh biểu đồ (bar). Tác giả cho rằng mình thực hiện khảo sát bằng cách dùng Google Drive là nhầm lẫn, Google Drive là dịch vụ lưu trữ đám mây (cloud storage) không có chức năng đó. Cái mà tác giả sử dụng có lẽ là Google Form là một dịch vụ đám mây (cloud service) được tích hợp trên Google Drive.

Điều quan trọng mà mình muốn nói đến ở đây là công tác biên tập khoa học của chúng ta còn quá cẩu thả. Bài báo cáo được thực hiện ở một hội thảo khoa học (xin nhắc lại là một hội thảo khoa học) thuộc ngành giáo dục trên một tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất nước là tờ Tuổi Trẻ.
Bao giờ nền khoa học nước nhà mới theo kịp các nước tiên tiến? Hiện nay tôi chưa có câu trả lời, thế còn bạn?
Sài gòn mưa…